VCCI Nghệ An: Hội thảo “FTAs Thế Hệ Mới – Ưu Đãi Và Cơ Hội Mà Các Doanh Nghiệp Việt Nam Cần Tận Dụng”

2021-10-09 14:31:45
Nhằm giúp doanh nghiệp tận dụng tối đa những cơ hội và ưu đãi từ các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới (FTAs) một cách đầy đủ và toàn diện, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) – Chi nhánh tại Nghệ An tổ chức Hội thảo trực tuyến “FTAs thế hệ mới – những ưu đãi và cơ hội doanh nghiệp Việt Nam cần tận dụng” ngày 8/10/2021 tại thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An.
Tham dự Hội thảo, về phía các diễn giả, có TS. Nguyễn Thu Trang – Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI), bà Phùng Thị Lan Hương – Trung tâm WTO và Hội nhập, ông Vũ Xuân Hưng – Trưởng phòng Pháp chế, Chi nhánh VCCI TP. Hồ Chí Minh; về phía chính quyền tỉnh Nghệ An có ông Nguyễn Văn Nam – Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư, Thương mại và Du lịch; về phía Ban Tổ chức có bà Đào Thị Kim Hoa – Phó Giám đốc phụ trách Chi nhánh VCCI tại Nghệ An cùng các doanh nghiệp, doanh nhân trên địa bàn và khu vực tham dự.
Phát biểu khai mạc, bà Đào Thị Kim Hoa khẳng định tầm quan trọng của FTAs, đặc biệt là trong bối cảnh đại dịch Covids-19 thì FTAs đã đem lại nhiều cơ hội và những đóng góp to lớn cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam nói chung và Nghệ An nói riêng. “Trong bối cảnh này, các doanh nghiệp cần tận dụng hơn nữa những ưu đãi cũng như các cơ hội mà FTAs thế hệ mới mang lại, đặc biệt là những FTAs đã được ký kết để phát triển và góp phần phát triển kinh tế - xã hội cho quê hương và đất nước”, bà Hoa nhấn mạnh.
Chia sẻ với Hội nghị, TS. Nguyễn Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập cho biết, trong bối cảnh dịch bệnh được cho là tồi tệ nhất từ trước đến nay, các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, cả những vấn đề xử lý, khôi phục lại sản xuất, kinh doanh. Những FTAs thế hệ mới đang và sẽ mang đến cho chúng ta nhiều thuận lợi, đặc biệt là với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Khác với việc tham gia WTO, việc đàm phán và ký kết các FTAs là một con đường riêng, sân chơi riêng với tốc độ nhanh hơn. Nhưng trong bối cảnh các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nghiêm trọng như hiện nay thì các doanh nghiệp Nghệ An vẫn còn may mắn hơn nhiều so với các doanh nghiệp khác ở miền Nam, thậm chí một số tỉnh ở miền Bắc. Mặc dù công tác phòng, chống dịch của Nghệ An rất tốt, số người nhiễm và tử vong ít nhưng nhìn chung, các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp xuất nhập khẩu vẫn bị ảnh hưởng ở nhiều khía cạnh. Hoạt động sản xuất kinh doanh bị ngưng trệ, các đối tác kinh doanh huỷ đơn đặt hàng để tìm khách hàng khác khiến chuỗi cung ứng đứt gãy, chi phí logistics tăng cao. Tuy nhiên, chính 14 FTAs có hiệu lực lại mang đến cho các doanh nghiệp rất nhiều cơ hội với những ưu đãi thông qua việc cắt giảm thuế quan, cam kết mở của thị trường khá mạnh sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia xuất khẩu. Việc nhập khẩu cũng có nhiều lợi thế từ nguyên liệu, máy móc với mức thuế ưu đãi, thậm chí bằng không sẽ mang lại cho các doanh nghiệp nhập khẩu nhiều thuận lợi để giảm chi phí. Vấn đề là chúng ta cần tận dụng những ưu đãi đó của FTAs từ những gợi mở tại Hội thảo này.
Trình bày những thuận lợi và khó khăn của doanh nghiệp tỉnh Nghệ An trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế và thực thi có hiệu quả các FTAs, ông Nguyễn Văn Nam – Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Nghệ An cho biết, việc tham gia các FTAs đã góp phần đưa nền kinh tế nước ta duy trì mức tăng trưởng cao từ 6-7%/năm, kinh tế vĩ mô ngày càng ổn định; lạm phát được kiểm soát. Các FTAs mà Việt Nam tham gia có độ phủ rộng hầu hết các châu lục với gần 60 nền kinh tế có tổng GDP chiếm gần 90% thế giới, trong đó có 15 nước thành viên G20. Nổi bật nhất trong các FTAs là CPTPP (Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương), EVFTA (Hiệp định Tự do thương mại Việt Nam – Liên minh EU).
Ông Nam khẳng định, việc tham gia FTAs là kịp thời, tăng cường sự đan xen lợi ích trong mối quan hệ với các đối tác, đặc biệt là các nước lớn, các nước có tiềm lực về kinh tế và công nghệ hiện đại, góp phần giữ vững môi trường hòa bình và ổn định chính trị, tranh thủ sự ủng hộ của các nước đối tác, đồng thời nâng cao uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Bên cạnh đó, FTAs còn thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu, tạo thêm nhiều việc làm, tăng thu nhập, tiếp cận với các hàng hoá, dịch vụ chất lượng cao. Đặc biệt, FTAs tạo động lực nâng cao chất lượng nhiều sản phẩm về nông nghiệp vốn dĩ là thế mạnh của Nghệ An. Điều khá quan trọng nữa là, FTAs tạo động lực để chính quyền hoàn thiện thể chế, khung khổ pháp lý tiếp cận các tiêu chuẩn và thông lệ quốc tế, trong đó có cải cách thủ tục hành chính vốn đang còn nhiều vấn đề phải bàn.
Nói về những khó khăn và thách thức cũng như các thế mạnh của các doanh nghiệp khi tham gia FTAs, ông Nam cho biết: Nghệ An hiện có hơn 13.000 doanh nghiệp đang hoạt động, đứng thứ 10 cả nước. Tuy vậy, các doanh nghiệp quy mô nhỏ và siêu nhỏ, công nghệ lạc hậu, mức độ am hiểu thị trường hạn chế, thiếu nhân sự quản lý doanh nghiệp giỏi, lao động kỹ thuật, sức cạnh tranh thấp và chưa có các thương hiệu mạnh đủ khả năng cạnh tranh trên thị trường.
Số lượng doanh nghiệp phát triển nhanh, nhưng chủ yếu là doanh nghiệp quy mô nhỏ, siêu nhỏ. Mối liên kết giữa các doanh nghiệp các đối tác nước ngoài còn hạn chế. Hoạt động sản xuất kinh doanh manh mún, nhỏ lẻ, chưa có sự đầu tư theo chiều sâu. Trình độ, năng lực của đội ngũ doanh nhân còn bất cập, hạn chế về kiến thức, sự am hiểu pháp luật và năng lực kinh doanh, kinh nghiệm quản lý, khả năng cạnh tranh và hội nhập...
Mặc dù kim ngạch xuất nhập khẩu còn thấp, nhưng đang có xu hướng tăng dần. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tăng bình quân 11,52%/năm, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tăng bình quân 24,2%/năm. Thị trường xuất khẩu được mở rộng, doanh nghiệp tham gia xuất khẩu ngày càng tăng (Từ 74 quốc gia, vùng lãnh thổ năm 2016 lên 120 quốc gia, vùng lãnh thổ năm 2020. Số lượng doanh nghiệp tham gia xuất khẩu: Từ 129 doanh nghiệp năm 2016 lên 200 doanh nghiệp năm 2020).
Ông nêu một số định hướng và giải pháp phát triển Doanh nghiệp tỉnh Nghệ An trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế và thực thi có hiệu quả các FTAs như: Phát triển doanh nghiệp Nghệ An có năng lực cạnh tranh; triển khai đồng bộ, hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhằm đẩy nhanh tốc độ phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; tạo môi trường đầu tư và kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, ổn định để các doanh nghiệp đóng góp ngày càng cao vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập kinh tế quốc tế của doanh nghiệp trong tỉnh.
Để thực thi có hiệu quả các FTAs, ông Nam cũng đề xuất một số các giải pháp như: Hỗ trợ hình thành và phát triển các chuỗi cung ứng, trước hết là chuỗi cung ứng hàng nông sản, thực phẩm thiết yếu; thu hút các doanh nghiệp công nghệ; hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp khoa học công nghệ, doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp công nghệ thông tin; thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; tiếp tục triển khai đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng quản lý cho đội ngũ doanh nhân; tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đã được ban hành; rà soát, kịp thời tham mưu sửa đổi cơ chế, chính sách không còn phù hợp; phát triển mô hình gắn kết giữa doanh nghiệp với cơ sở giáo dục nghề nghiệp; hỗ trợ cung cấp thông tin xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận, khảo sát, tìm kiếm đối tác, khai thác thị trường trong và ngoài nước để liên kết có hiệu quả, có khả năng chiếm lĩnh thị trường…
Tại Hội thảo, chuyên gia Phùng Thị Lan Phương đã trình bày nhiều nội dung rất quan trọng liên quan tới FTAs như: những FTAs thế hệ mới mà Việt Nam đã ký kết, nội dung và tác động của các FTAs thế hệ mới đối với doanh nghiệp Việt Nam nói chung và doanh nghiệp Nghệ An nói riêng, tình hình thực hiện một số FTAs thế hệ mới của Việt Nam và những việc doanh nghiệp cần làm, cần lưu ý trong bối cảnh đại dịch Covid-19.
Ông Vũ Xuân Hưng – Trưởng phòng Pháp chế, Chi nhánh VCCI TP. Hồ Chí Minh đã trình bày một số Quy tắc xuất xứ và các ưu đãi thuế quan mà doanh nghiệp cần lưu ý; lộ trình ưu đãi thuế quan và quy tắc xuất xứ trong các Hiệp định FTAs thế hệ mới; hướng dẫn tra cứu trực tuyến quy tắc xuất xứ và thuế quan trong các Hiệp định FTAs thế hệ mới.
Cũng tại Hội thảo, đại biểu tham dự đã tham gia Phiên thảo luận và giải đáp các vướng mắc liên quan đến FTAs. Nhiều câu hỏi từ phía các doanh nghiệp, như các mẫu Form Chứng thư xuất xứ (C/O) CPTPP cho hàng nhập từ Nhật Bản, cơ sở nào để kiểm tra tính xác thực của C/O, thuế và phí liên quan đến mặt hàng chè trà trong Hiệp định, những lợi thế từ các FTAs thế hệ mới đối với doanh nghiệp chế xuất tại Việt Nam… đã được các chuyên gia giải đáp cụ thể, rõ ràng./.
Phan Duy Hùng – Chi nhánh VCCI Nghệ An