Đó là khẳng định của bà Đào Thị Kim Hoa – Phó Giám đốc phụ trách Chi nhánh VCCI Nghệ An tại Khoá học “Luật Đầu tư và Nghị định 31/2021/NĐ-CP – Một số cập nhật mới và lưu ý cho doanh nghiệp” do Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Chi nhánh Nghệ An tổ chức ngày 20/08/2021. Tham gia Khoá học có sự tham dự của gần 500 học viên trên nền tảng Zoom và hơn 500 người xem trên livestream của fanpage VCCI Nghệ An là đại diện các doanh nghiệp tại Nghệ An, Hà Tĩnh.
Bà Đào Thị Kim Hoa - Phó Giám đốc Phụ trách Chi nhánh VCCI Nghệ An. Ảnh từ Nguyễn Duy
Phát biểu khai mạc, bà Đào Thị Kim Hoa cho biết: Việt Nam đang là điểm đến hấp dẫn của nhiều nhà đầu tư trên thế giới. Điều đó đã chứng minh rằng những chính sách ưu đãi đầu tư, những quy định về tiếp cận thị trường, cũng như điều kiện về ngành nghề kinh doanh ngày càng được hoàn thiện, linh hoạt và phù hợp hơn với thông lệ kinh tế quốc tế. Môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam đang ở một tâm thế sẵn sàng chào đón luồng vốn của các nhà đầu tư lớn từ nước ngoài cũng như sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư trong nước phát triển, từng bước tăng tốc trên con đường hội nhập kinh tế quốc tế.
Tín hiệu vui cho các nhà đầu tư
Luật đầu tư năm 2020 được ban hành là tín hiệu vui cho rất nhiều doanh nghiệp và Nghị định 31/2021/NĐ-CP của Chính phủ đã hướng dẫn cụ thể, chi tiết các điều khoản, trong đó, đáng chú là cơ chế giải quyết các vướng mắc giữa nhà đầu tư với cơ quan quản lý Nhà nước, nhằm bảo đảm tính khả thi, minh bạch trong quá trình thực hiện Luật Đầu tư. “Tuy nhiên, tại Nghệ An và cũng như nhiều tỉnh thành trong cả nước, đã có một số quan điểm chồng chéo giữa các cơ quan, sở ngành trong quá trình triển khai thực hiện các quy định của Luật Đầu tư 2020 và một số văn bản pháp quy liên quan”, bà Hoa nhấn mạnh.
Nhiều điểm mới đáng lưu ý
Luật sư Đinh Ánh Tuyết – Trưởng Văn phòng Luật sư IDVN, Trọng tài viên Trung Tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), giảng viên chính Khoá học đã truyền tải và cập nhật những nội dung chính liên quan tới một số điểm mới đáng lưu ý của Luật Đầu tư 2020 và Nghị định 31/2021/NĐ-CP cũng như một số lưu ý trong giải quyết tranh chấp phát sinh trong hoạt động đầu tư, kinh doanh.
Theo đó, Luật Đầu tư 2020 và Nghị định 31/2021/NĐ-CP của Chính phủ có 07 nội dung mới nổi bật: ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh; ưu đãi, hỗ trợ đầu tư; đảm bảo thực hiện dự án; các quy định mới về quốc phòng, an ninh; quy định đối với nhà đầu tư nước ngoài (có 05 nội dung nổi bật); điều chỉnh, gia hạn dự án đầu tư; ngừng, chấm dứt dự án đầu tư.
Luật sư Ánh Tuyết cho biết, đối với ngành, nghề cấm đầu tư, kinh doanh đã bổ sung 02 ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh, đó là kinh doanh pháo nổ và kinh doanh dịch vụ đòi nợ (Điều 6 Luật Đầu tư). Với Danh mục ngành, nghề kinh doanh có điều kiện: Giảm từ 267 xuống 227 ngành, nghề (theo Phụ lục IV Luật Đầu tư), trong số đó có bỏ hoạt động của Tổ chức Trọng tài thương mại, kinh doanh logistic, kinh doanh dịch vụ mua bán nợ… (Điều 7 Luật Đầu tư). Với ngành, nghề ưu đãi đầu tư: Bổ sung một số ngành, nghề được ưu đãi, như: giáo dục đại học, sản xuất vaccine, cung cấp dịch vụ đào tạo hoặc tham gia chuỗi giá trị, cụm liên kết ngành… (Điều 16 Luật Đầu tư). Đặc biệt, với quy định về ngành, nghề kinh doanh liên quan đến nhà đầu tư nước ngoài (Danh mục ngành, nghề hạn chế tiếp cận thị trường): hạn chế tiếp cận thị trường gồm 25 ngành nghề, lĩnh vực chưa được tiếp cận thị trường, như: Kinh doanh các hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện độc quyền Nhà nước trong lĩnh vực thương mại; hoạt động báo chí và hoạt động thu thập tin tức dưới mọi hình thức; đánh bắt hoặc khai thác hải sản; dịch vụ điều tra và an ninh...; 59 ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện, như: Cung cấp dịch vụ phát thanh và truyền hình; bảo hiểm; ngân hàng; kinh doanh chứng khoán và các dịch vụ khác liên quan đến bảo hiểm, ngân hàng, kinh doanh chứng khoán; dịch vụ bưu chính, viễn thông; dịch vụ quảng cáo...
Đối với các ưu đãi đầu tư, theo Luật sư Ánh Tuyết, Điều 15 Luật Đầu tư đã bổ sung 01 hình thức ưu đãi: Khấu hao nhanh, tăng mức chi phí được trừ khi tính thu nhập chịu thuế. Đối tượng hưởng ưu đãi đầu tư đã bổ sung một số đối tượng, như: Dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, dự án có chuyển giao công nghệ, cơ sở ươm tạo công nghệ, dự án đầu tư khởi nghiệp sáng tạo, trung tâm nghiên cứu phát triển… Ngoài ra còn miễn cấp Giấy chứng nhận ĐKĐT đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ khởi nghiệp sáng tạo và Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo (Điều 22 Luật Đầu tư, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ 2017). Bên cạnh đó, Điều 20 của Nghị định 31 còn quy định Khu Công nghiệp, Khu Chế xuất được đưa ra khỏi quy hoạch, chuyển đổi mục đích sử dụng hoặc chấm dứt hoạt động.
Đối với nội dung đảm bảo thực hiện dự án, Điều 43 Luật Đầu tư & Điều 26 NĐ 31, Luật sư Ánh Tuyết chỉ ra nhiều điểm mới, trong đó có việc bổ sung hình thức bảo lãnh ngân hàng về nghĩa vụ ký quỹ; đối với dự án đầu tư gồm nhiều giai đoạn, nhà đầu tư có thể chuyển số tiền ký quỹ/bảo lãnh còn lại của giai đoạn trước để bảo đảm thực hiện dự án cho giai đoạn sau; dự án có số tiền bảo đảm không được hoàn trả mà phải nộp NSNN, gồm: Dự án chậm tiến độ, dự án bị chấm dứt hoạt động…
An ninh quốc phòng được coi trọng
Đặc biệt, vấn đề an ninh quốc phòng (ANQP), an ninh quốc gia là vấn đề trọng điểm xuyên suốt Luật Đầu tư và Nghị định 31. Vấn đề ANQP trong hoạt động M&A, chấp thuận Chủ trương thực hiện dự án, điều chỉnh dự án đầu tư, trường hợp ngừng hoặc chấm dứt dự án đầu tư, cũng như trong bảo đảm đầu tư kinh doanh trong trường hợp thay đổi pháp luật, khu vực ANQP đối với dự án đầu tư, khu vực khác có ảnh hưởng đến ANQP đã được quy định rõ tại các Điều 5.3, 13, 26, 30, 31, 32, 32.1.d, 47.3 của Luật Đầu tư và Điều 2 (Khoản 8), 33, 41, 66, 56.3, 117 của Nghị định 31. Thông qua những quy định pháp luật về đảm bảo quốc phòng và an ninh quốc gia trong Luật Đầu tư 2020 và Nghị định 31, có thể nhận thấy các nhà làm luật đang hướng đến tinh thần loại bỏ hoàn toàn những yếu tố làm phương hại hoặc có nguy cơ làm phương hại đến an ninh, quốc phòng và chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải Việt Nam.
Về quy định đối với nhà đầu tư nước ngoài, có 05 nội dung nổi bật: Nguyên tắc áp dụng hạn chế tiếp cận thị trường; danh mục ngành, nghề hạn chế tiếp cận thị trường; điều kiện để thực hiện M&A (sát nhập và mua lại); tổ chức kinh tế được coi là có vốn đầu tư nước ngoài; các trường hợp phải đăng ký giao dịch M&A được quy định tại các Điều 9, 23, 24.2 (b) và Điều 17, 15 - 18, 66.4 (b) và Mục A, B Phụ lục I của Nghị định 31.
Đối với điều chỉnh, gia hạn dự án đầu tư có quy định rõ về điều chỉnh dự án đầu tư (Điều 41 Luật Đầu tư) và điều chỉnh, gia hạn dự án đầu tư (Khoản 4 Điều 27 Nghị định 31 và Khoản 4 Điều 44 Luật Đầu tư). Với nội dung chấm dứt dự án đầu tư, theo Luật sư Ánh Tuyết, Luật bổ sung thêm trường hợp giao Cơ quan đăng ký đầu tư chấm dứt hoặc chấm dứt một phần hoạt động của dự án đầu tư đối với trường hợp dự án đầu tư thuộc trường hợp: Dự án đầu tư thuộc trường hợp bị thu hồi đất do không đưa đất vào sử dụng, chậm đưa đất vào sử dụng theo quy định của pháp luật về đất; nhà đầu tư không ký quỹ hoặc không có bảo lãnh nghĩa vụ ký quỹ theo quy định của pháp luật đối với dự án đầu tư thuộc diện bảo đảm thực hiện dự án đầu tư; nhà đầu tư thực hiện hoạt động đầu tư trên cơ sở giao dịch dân sự giả tạo theo quy định của pháp luật về dân sự.
Tại Khoá học, các học viên còn được cung cấp các nội dung về quy trình thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất (theo Luật Đầu tư và các Luật chuyên ngành) bao gồm thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư (CTCTĐT) dự án có sử dụng đất (Điều 32 Luật Đầu tư), CTCTĐT đối với dự án nhà ở thương mại, mở rộng đối tượng CTCTĐT đối với dự án nhà ở thương mại (Luật Nhà ở và Luật Đầu tư 2020), quy trình lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án; trường hợp đặc biệt CTCTĐT và lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án. Bên cạnh đó, học viên còn được lĩnh hội những kiến thức rất bổ ích trong hội nhập, như: Giải quyết tranh chấp theo Luật Đầu tư 2020 và các Hiệp định Đầu tư mà Việt Nam đã ký kết, bao gồm các nội dung: Khái niệm tranh chấp đầu tư quốc tế, các Điều ước quốc tế về đầu tư mà Việt Nam đã tham gia, cam kết của Nhà nước trong các Điều ước quốc tế về đầu tư, cơ chế giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế theo các Điều ước quốc tế Việt Nam tham gia, cơ chế giải quyết tranh chấp quốc tế, cơ chế giải quyết tranh chấp đặc thù theo Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA), bảo vệ Nhà nước khi có khiếu kiện của nhà đầu tư, thủ tục tố tụng trọng tài Uỷ ban Liên hợp quốc về Luật Thương mại Quốc tế (UNCITRAL) và một số hành vi của Nhà nước mà có thể bị cáo buộc là vi phạm theo các Điều ước Quốc tế về đầu tư (IIAs) hoặc hợp đồng/thoả thuận với nhà đầu tư nước ngoài…
Tại Khoá học, nhiều ý kiến trao đổi và câu hỏi rất sôi nổi từ phía học viên về các dự án đầu tư có sử dụng đất, cách tính kéo dài tiến độ thực hiện dự án đầu tư vượt quá 12 tháng so với tiến độ thực hiện dự án, việc xin lại CTCTĐT trước khi điều chỉnh dự án đầu tư, nhà đầu tư nước ngoài mua vốn trên 50% thì có phải xin Giấy chứng nhận đầu tư… và nhiều câu hỏi, trao đổi khác liên quan đến Luật Đầu tư 2020 và Nghị định 31/2021/NQ-CP của Chính phủ./.
Phan Duy Hùng – Chi nhánh VCCI Nghệ An
TX Kỳ Anh hà Tĩnh
Khách sạn Đức tài Tâm Đạt khối 5 TT...