Lãnh Đạo Dẫn Dắt Đội Ngũ Vượt "Bão" Covid-19

2021-08-30 08:38:23

Năm 2021 là một năm vô cùng khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp trong cả nước với những ảnh hưởng nặng nề của làn sóng đại dịch Covid-19 lần thứ 4, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Lãnh đạo doanh nghiệp trong điều kiện, hoàn cảnh bình thường vốn dĩ đầy gian nan thử thách, trong bối cảnh hiện nay càng khó khăn gấp bội lần; đòi hỏi nhà quản lý cần phải có thêm nhiều tố chất, năng lực, kỹ năng để dẫn dắt đội ngũ và chèo lái con thuyền doanh nghiệp vượt qua sóng to, gió lớn từ cơn “bão” Covid-19.

Đó là nội dung Hội thảo trực tuyến “Lãnh đạo dẫn dắt đội ngũ vượt bão”, do Chi nhánh VCCI tại Nghệ An phối hợp với Công ty CP Tư vấn & Giáo dục John&Partners tổ chức ngày 28/08/2021. Tham dự Hội thảo: Đại diện VCCI Nghệ An, có bà Đào Thị Kim Hoa – Phó Giám đốc phụ trách và bà Nguyễn Hương Giang – Quyền Trưởng phòng Đào tạo; Đại diện John & Partner, có TS. Ngô Công Trường - Sáng lập & Giám đốc Chuyên môn, 1 trong 40 người xuất sắc nhất thế giới về Operational Excellence (Vận hành xuất sắc) do Hiệp hội Chất Lượng Mỹ (ASQ) công nhận năm 2021; ThS. Nguyễn Thị Hồng Ngọc – Giám đốc Vận hành, Chuyên gia huấn luyện trải nghiệm khách hàng và văn hoá doanh nghiệp; ThS. Nguyễn Thế Trung – Đồng sáng lập, Giám đốc Quan hệ Nhà đầu tư , Tổng Giám đốc Công ty CP IzzyMe, cùng gần 300 đại biểu đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp tại Nghệ An, Hà Tĩnh và các tỉnh thành trong cả nước.

Tại Hội thảo, TS. Ngô Công Trường đã chia sẻ cho cộng đồng doanh nghiệp các vấn đề về tư duy và chiến lược của người lãnh đạo trong thế giới đầy biến động như hiện nay – thế giới mà các nhà chuyên môn đã đặt cho nó tên gọi là VUCA (Volatility – Uncertainty – Complexity – Ambiguity tức là Biến động – Không chắc chắn – Phức tạp – Mơ hồ). Muốn tồn tại trong một thế giới như vậy, nhất là trong giai đoạn dịch Covid như hiện nay, doanh nghiệp cần phải chủ động thay đổi, chuyển đổi cách thức kinh doanh, tư duy kinh doanh, lập sẵn các kế hoạch dự phòng để chuẩn bị cho các tình huống bất ngờ, tối ưu hoá các quy trình và sản phẩm của mình trong thời gian giãn cách để tăng tốc ngay vào năm 2022 khi nền kinh tế đang đi vào trạng thái phục hồi.

Ảnh từ Kim Thư

TS. Ngô Công Trường nhấn mạnh, để thực hiện được những điều trên, nhà lãnh đạo cần xác định được trạng thái của doanh nghiệp mình hiện tại đang ở đâu trong tháp quản trị: đang thay đổi, mới gặp rủi ro hay đang ở giai đoạn khủng hoảng? Và dù ở trong giai đoạn nào, nhà lãnh đạo cũng cần phải thực hiện 7 chiến lược quan trọng nhằm dẫn dắt đội ngũ của mình vượt qua khủng hoảng và tồn tại trong thế giới VUCA, đó là: quản trị sự thay đổi, quản trị rủi ro và khủng hoảng; tích cực và đón nhận dù cho đó là Covid hay bão lụt hay bất cứ vấn đề nào về xã hội; không sợ hãi mà hãy chuẩn bị và nắm bắt thời cơ; chuẩn hoá, tái cấu trúc, tối ưu hoá doanh nghiệp; chuyển hoá doanh nghiệp theo hướng tinh gọn; tăng trải nghiệm cho khách hàng và nhân viên trong và sau dịch; và cuối cùng là chuyển đổi số.

Tại buổi Hội thảo, ThS. Nguyễn Thế Trung - Tổng Giám đốc Công ty CP IzzyMe cũng chỉ ra rằng: để tối ưu hoá vận hành doanh nghiệp, lãnh đạo doanh nghiệp cần giải quyết các vấn đề: Tại sao cần phải tối ưu hoá vận hành doanh nghiệp, tối ưu vận hành doanh nghiệp là gì, cần làm gì để tối ưu hoá vận hành doanh nghiệp và cần tối ưu hoá vận hành dưới góc độ tài chính. Theo đó, tối ưu hoá vận hành doanh nghiệp cần đạt hiệu quả cao hơn trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh, như: nhanh hơn, rẻ hơn, ổn định hơn; tăng trải nghiệm của khách hàng: chất lượng ổn định, tỷ lệ hài lòng và khách hàng trung thành; cải tiến và cải thiện liên tục để tiến tới hoàn hảo. Bên cạnh đó, lãnh đạo cần phải xây dựng môi trường làm việc hiệu quả hơn, tối ưu chuỗi giá trị và sáng tạo có giá trị.

Ảnh từ Hương Giang

Một nội dung cũng được rất nhiều doanh nghiệp quan tâm đến từ các chia sẻ của ThS. Nguyễn Thị Hồng Ngọc - Chuyên gia huấn luyện trải nghiệm khách hàng và văn hoá doanh nghiệp, Giám đốc Vận hành tại John&Partners, đó chính là nâng cao trải nghiệm khách hàng và trải nghiệm nhân viên trước, trong và sau dịch. Hiện nay, cụm từ chăm sóc khách hàng không còn thông dụng nữa mà thay vào đó là cụm từ “trải nghiệm khách hàng”. Trải nghiệm khách hàng không chỉ thể hiện ở giai đoạn mua hàng mà trải nghiệm chính là cả quá trình cảm nhận của khách hàng đối với sản phẩm, nhân viên hay công ty bạn từ giai đoạn mà khách hàng bắt đầu có nhu cầu cho đến khi khách hàng đã sử dụng sản phẩm. Trong cả quá trình đó, doanh nghiệp cần tìm ra các điểm chạm và cải tiến cảm nhận của khách hàng ngay từ các điểm chạm đó. Đặc biệt trong thời kỳ dịch bệnh như hiện nay, khi khách hàng không thể trực tiếp gặp gỡ người bán hay thử nghiệm sản phẩm, thì điều cần thiết của nhà lãnh đạo là có các phương án tăng trải nghiệm khách hàng bằng cách: chăm sóc và kết nối với khách hàng, nhân viên và cộng đồng; luôn hiện diện ở nơi khách hàng cần; và củng cố các năng lực cần thiết để nâng tầm trải nghiệm khách hàng trong thế giới VUCA.

Tại Hội thảo, nhiều Lãnh đạo các doanh nghiệp đã thẳng thắn trao đổi, đề xuất, kiến nghị và có nhiều câu hỏi xuất phát từ thực tiễn doanh nghiệp của mình. Những trao đổi, thắc mắc này đã được bà Đào Thị Kim Hoa – Lãnh đạo VCCI Nghệ An và các Chuyên gia trả lời thấu đáo, ngắn gọn, súc tích.

Doanh nghiệp luôn có những vấn đề cần giải quyết, đặc biệt là trong bối cảnh đại dịch Covid-19 này. Bài toán làm thế nào tối ưu hóa vận hành doanh nghiệp và duy trì cũng như giữ lửa cho nhân viên luôn là điều trăn trở của các nhà lãnh đạo và quản lý. Trong đó, việc xây dựng lợi thế cạnh tranh về sản phẩm, dịch vụ, nâng cao năng lực đội ngũ để có thể phát triển và tăng trưởng bền vững luôn là nhiệm vụ thách thức với các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và Nghệ An nói riêng. Hội thảo là cơ hội cho các doanh nghiệp tại địa phương lĩnh hội nhiều kiến thức bổ ích, được tư vấn về những lúng túng của đơn vị mình để từ đó vượt qua khó khăn, sớm ổn định sản xuất kinh doanh và phát triển./.

Phan Duy Hùng – Chi nhánh VCCI Nghệ An