Mặc dù đã sớm đề ra mục phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam từ năm 2002 nhưng kết quả lại đầy thất vọng.
"Công nghiệp ô tô đóng góp vai trò quan trọng trong quá trình công nghiệp hóa và phát triển kinh tế của nhiều quốc gia trên thế giới. Việt Nam từ đầu thế kỷ 21 đã xây dựng chiến lược với khát vọng có ngành công nghiệp ô tô phát triển, nhưng mục tiêu đó đến nay không thành công. Tuy nhiên, cơ hội “trăm năm có một” lại đang đến, khi thế giới chuyển đổi từ ô tô động cơ đốt trong sang ô tô điện. Đây là cơ hội để Việt Nam viết lại kịch bản cho ngành công nghiệp ô tô và hướng tới quốc gia thịnh vượng vào năm 2045. Dù vậy hình như Việt Nam lại đang chậm chân trong việc đón bắt cơ hội lớn này và câu hỏi “trong quá trình phát triển đất nước, chúng ta có cần ngành công nghiệp ô tô hay không”? vẫn chưa có câu trả lời rõ ràng”.
Thiếu quyết tâm
Công nghiệp hỗ trợ có vai trò rất quan trọng không chỉ đối với sự phát triển của ngành công nghiệp ô tô mà còn đối với phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Sự phong phú, đa dạng của các loại chi tiết, linh kiện phụ tùng, sẽ thu hút hàng ngàn các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước tham gia vào quá trình sản xuất, qua đó góp phần giải quyết việc làm, tạo cơ hội nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tiếp nhận và làm chủ công nghệ, kinh nghiệm quản lý tiên tiến... Công nghiệp hỗ trợ phát triển sẽ làm tăng tỷ lệ nội địa hóa, giảm giá thành các sản phẩm ô tô…Tóm lại, phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô, sẽ giúp nền kinh tế tăng trưởng trong dài hạn, đồng thời tạo sự phát triển bền vững.
Tuy nhiên, chính sách khuyến khích phát triển công nghiệp hỗ trợ đến nay vẫn đầy bất cập và không hoàn thiện. Chính sách thu hút đầu tư nước ngoài đối với ngành công nghiệp hỗ trợ còn rất chung chung, không thể hiện được sự quyết tâm phát triển ngành này. Pháp luật về đầu tư của Việt Nam hiện nay mới chỉ quy định, sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ nói chung, thuộc lĩnh vực ngành nghề ưu đãi đầu tư mà chưa có các quy định đặc thù, cho các ngành công nghiệp hỗ trợ có hàm lượng kỹ thuật cao như công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô.
Chính sách khuyến khích phát triển công nghiệp hỗ trợ đến nay vẫn đầy bất cập và không hoàn thiện. (Ảnh minh họa)
Các ưu đãi đưa ra chung cho tất cả mọi dự án, không khuyến khích đầu tư vào công đoạn có kỹ thuật cao hoặc lĩnh vực đem lại lợi thế cho Việt Nam. Những ưu đãi cũng không xét đến quy mô vốn, nên không tạo động lực cho các dự án đầu tư lớn.
Với trong nước, các chính sách ưu đãi, khuyến khích doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia vào sản xuất công nghiệp hỗ trợ cũng không đủ hấp dẫn. Từ năm 2009 đến năm 2012, các quy định về trợ giúp tài chính; ưu đãi sử dụng mặt bằng sản xuất, quỹ đất và xây dựng khu, cụm công nghiệp; hỗ trợ về đổi mới, nâng cao năng lực công nghệ, trình độ kỹ thuật; định hướng và hỗ trợ xúc tiến mở rộng thị trường; trợ giúp phát triển nguồn nhân lực… cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa đã được ban hành, nhưng đối với lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ không rõ ràng. Các doanh nghiệp không nhận được ưu đãi như mong đợi.
Không những thế, ô tô con dưới 10 chỗ ngồi phải chịu tới 8 loại thuế, phí khác nhau, trong đó có thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng và lệ phí trước bạ bị áp mức cao. Thuế phí cao, lại còn đánh chồng lên nhau, khiến giá xe cao ngất ngưởng, trong khi thu nhập của người dân còn rất thấp nên vượt quá khả năng chi trả của đa số. Điều này khiến cho quy mô thị trường ô tô Việt Nam luôn ở mức nhỏ bé, sản lượng thấp, công nghiệp hỗ trợ không có cơ hội phát triển.
Nỗi thất vọng
Đến nay, sau hơn 20 năm phát triển, công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô Việt Nam chủ yếu vẫn chỉ sản xuất ra những linh kiện có giá trị thấp, công nghệ giảm đơn, thâm dụng lao động như: ghế ngồi, kính, săm lốp, vành xe, ắc quy, dây điện, bộ đồ sửa chữa…Nhóm sản phẩm có hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng cao, linh kiện quan trọng như: hệ thống phanh, ly hợp, hộp số, hệ thống lái, thiết bị điện tử... không làm được, đều phải nhập khẩu.
Máy móc, công nghệ của các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô tương đối lạc hậu. Tốc độ trang bị mới của các doanh nghiệp trong ngành cũng ở mức tương đối thấp. Chất lượng sản phẩm thấp và giá thành cao. Nhiều doanh nghiệp vẫn chưa đủ năng lực và công nghệ sản xuất để tham gia vào chuỗi giá trị ngành công nghiệp ô tô trong nước.
Giá trị sản xuất công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô chỉ chiếm khoảng 2,7% tổng giá trị sản xuất của toàn ngành công nghiệp. Tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng bình quân của toàn ngành công nghiệp.
Thách thức lớn nhất đối với công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô hiện nay là Chính phủ vẫn chưa ban hành những chính sách phù hợp để khuyến khích phát triển. (Ảnh minh họa)
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng chưa thiết lập được hệ thống thống kê đầy đủ về ngành công nghiệp hỗ trợ. Hệ thống cơ sở dữ liệu về công nghiệp hỗ trợ còn chưa hoàn thiện, chưa tạo thuận lợi trong việc thu thập, phân loại, tổng hợp, lưu trữ, kết nối và chia sẻ thông tin về các tình hình hoạt động của doanh nghiệp. Vì vậy, không đủ để tạo nên cơ sở dữ liệu trợ giúp các doanh nghiệp trong và ngoài nước tìm kiếm, liên kết với nhau.
Theo ông Phan Đăng Tuất, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Hỗ trợ Việt Nam (VASI), thách thức lớn nhất đối với công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô hiện nay là Chính phủ vẫn chưa ban hành những chính sách phù hợp để khuyến khích phát triển.
"Dù thị trường ô tô Việt Nam đã hình thành được 30 năm nay, thế nhưng Bộ luật về công nghiệp hiện mới đang soạn thảo, trong đó chỉ bao gồm một chương về công nghiệp hỗ trợ. Sự trì trệ này khiến ngành công nghiệp hỗ trợ khó phát triển, trong khi đây là cốt lõi, linh hồn của nền công nghiệp nước nhà. Nhìn sang Nhật Bản và Hàn Quốc thì thấy, những đạo luật liên quan tới công nghiệp hỗ trợ được họ chú trọng và hình thành từ giữa thế kỷ XX. Bước đi sớm đã giúp nền công nghiệp ô tô tại hai quốc gia này phát triển vượt bậc, trở thành những ông lớn trên thế giới", ông Phan Đăng Tuất nói.
Nguồn: Báo diễn đàn doanh nghiệp
TX Kỳ Anh hà Tĩnh
Khách sạn Đức tài Tâm Đạt khối 5 TT...